10 sai lầm nên tránh khi mang thai

Các bữa ăn cách xa nhau

Có thể do vội đi làm vào buổi sáng hoặc cố gắng để hoàn thành công việc đúng hạn, nhiều phụ nữ mang thai đã bỏ bữa sáng hoặc ăn không đúng giờ. Bạn nên ăn 3-5 bữa mỗi ngày và có các bữa nhẹ giàu dinh dưỡng như hoa quả, rau mầm, các sản phẩm trứng và rau sống trong ngày.

Ăn vặt tùy hứng

Ăn những món ăn vặt như khoai tây chiên hoặc miếng bánh pizza ở nơi làm việc có thể dẫn đến tăng cân và giữ nước. Hãy ăn vặt một cách khôn ngoan và giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống nước hoặc nước chanh. Các bà bầu cũng có thể ăn hoa quả tươi, bắp rang và trứng luộc.

Thiếu kế hoạch

Nhiều bà bầu hay bị quên những chi tiết quan trọng như thời hạn hoàn thành công việc hoặc các cuộc hẹn với bác sĩ, dùng thuốc. Hệ quả là họ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi vào cuối ngày. Hãy tránh để xảy ra tình trạng này bằng cách ghi lại những việc cần làm và lên kế hoạch thực hiện.

Không bù đủ nước cho cơ thể

Trong thời kì mang thai, việc duy trì lượng nước không thích hợp có thể dẫn tới các biến chứng thai kì. Phụ nữ nên bổ sung thêm 300ml nước /ngày khi đang mang thai và 700ml nước /ngày khi đang cho con bú.

Thiếu ngủ

Thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của người mẹ trong ngày hôm sau. Các bà bầu cần ngủ 10-11 giờ mỗi đêm để đảm bảo sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, nghỉ ngơi cũng đảm bảo sự lưu thông máu thích hợp và phòng ngừa sưng phù.

Thiếu hoạt động thể chất

Công việc bận rộn có thể khiến bạn không có thời gian để vận động, nhưng chỉ cần đi bộ xung quanh nơi làm việc cũng có thể giúp bạn giảm nguy cơ đông máu, giãn tĩnh mạch và phù chân. Những bài tập đơn giản và yoga cũng rất có lợi.

Tiếp xúc với khói thuốc lá

Hút thuốc là điều tuyệt đối không nên trong khi mang thai, ngoài ra hít phải khói thuốc người khác hút cũng có thể dẫn đến sẩy thai và sinh non, sinh con nhẹ cân và tử vong sớm. Vì vậy, hãy tránh xa những người hút thuốc để phòng ngừa những biến chứng trong thai kỳ.

Uống rượu

Các bà bầu nên nhớ rằng không có giới hạn an toàn của rượu và tốt hơn cả là tránh xa nó trong khi mang thai. Ngay cả khi mẹ chỉ uống lượng rượu nhỏ cũng có thể gây hội chứng rượu bào thai có thể dẫn tới những khuyết tật bẩm sinh và chậm phát triển tâm thần.

Tự ý dùng thuốc

Hãy tránh dùng các loại thuốc cho dù là thảo dược hay các thuốc không kê đơn, đặc biệt trong 3 tuần đầu của thai kỳ. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc nào vì dùng sai thuốc có thể khiến em bé trong bụng bị gây sứt môi hở hàm ếch, các rối loạn về tim hoặc tổn thương hệ thần kinh.

Làm việc không nghỉ

Nhiều bà bầu có xu hướng làm việc không nghỉ giải lao với mục tiêu hoàn thành công việc trước và về sớm. Điều này là không nên nhất là với phụ nữ có thai vì sẽ gây căng thẳng. Do vậy, hãy lên lịch làm việc với những khoảng thời gian thư giãn nhỏ để nghỉ ngơi.

BS Cẩm Tú (Theo THS)

Mắc nấm Candida sinh dục, có chữa khỏi?

Xin quý báo cho tôi biết những thông tin về bệnh nhiễm nấm Candida sinh dục? Hiện bệnh này có thể chữa khỏi được không?Bệnh có lây không và làm thế nào để xác định đúng bệnh và điều trị đúng cách?

Nguyễn Thị Lan(Hà Nội)

Bệnh viêm âm hộ, âm đạo do nấm rất thường gặp ở phụ nữ, nó đứng thứ 2 sau viêm âm đạo do vi khuẩn. Có tới trên 50%, thậm chí tới 3/4 số phụ nữ mắc bệnh này ít nhất 1 lần trong cuộc đời. Ngày nay bệnh có xu hướng tăng do việc sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể bị nhiễm nấm. Các yếu tố thuận lợi khác là khi có thai, sử dụng thuốc tránh thai có estrogen, bệnh đái tháo đường và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác bao gồm cả nhiễm HIV.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do Candida albicans chiếm khoảng 90%, ngoài ra còn có các chủng Candida khác và Torulopsis glabrata. Nhiễm các chủng nấm không phải C.albicans thường chữa khó khăn hơn. Nhiều phụ nữ bị nhiễm nấm nhưng không có biểu hiện bệnh, khi gặp điều kiện thuận lợi như vệ sinh kém, mặc quần áo quá chật, quần lót bằng vải ni-lông gây ẩm ướt và không thoáng khí dễ có biểu hiện bệnh lý. Nguồn lây nhiễm nấm có thể ở ngoài môi trường hoặc ở đường tiêu hóa lây nhiễm sang.

Khi mắc bệnh người phụ nữ thường có hai triệu chứng nổi bật là rất ngứa và ra khí hư. Triệu chứng ngứa âm hộ là thường gặp nhất và làm cho người bệnh rất khó chịu, nhiều người gãi gây trầy xước làm bội nhiễm tại chỗ. Khí hư thường không nhiều và có màu trắng như váng sữa, không có mùi hôi. Các biểu hiện khác là đau, cảm giác bỏng rát trong âm đạo, âm hộ, đi tiểu khó và đau khi giao hợp. Trường hợp nặng có thể gây đỏ, phù nề âm hộ và môi nhỏ, môi lớn, đôi khi lan ra cả đùi, bẹn. Bệnh thường nặng lên trước kỳ kinh nguyệt.

Đàn ông khi quan hệ tình dục với phụ nữ bị bệnh cũng có thể bị viêm quy đầu gây đỏ, ngứa, cảm giác bỏng, rát và có chất nhầy trắng. Bệnh thường xảy ra vài phút hoặc vài giờ sau khi giao hợp và thường khỏi sau khi rửa sạch. Với các biểu hiện, triệu chứng trên, bạn có thể đến các cơ sở y tế để khám và xét nghiệm. Việc soi tìm bào tử nấm hiện nay có thể thực hiện được ở các cơ sở y tế tuyến huyện và nhiều cơ sở y tế khác. Khi đã xác định bệnh cần điều trị ngay.

BS. Nguyễn Hưng

Tập Kegel khi bầu bí

Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu tập các bài tập Kegel và bạn nên thường xuyên tập luyện trong suốt thai kỳ. Sau khi sinh nở, bạn có thể từ từ bắt đầu lại các bài tập Kegel để kích thích tuần hoàn máu, cải thiện cơ bắp và lấy lại vóc dáng thon gọn thời con gái.

Kegel là những bài tập giúp tăng cường cơ bắp của sàn chậu đồng thời hỗ trợ niệu đạo, bàng quang, tử cung và trực tràng. Các bài tập này được đặt theo tên bác sĩ sản phụ khoa Arnold Kegel (Mỹ), người đã tư vấn phương pháp tập luyện giúp phụ nữ mang thai xử lý các vấn đề thường gặp trong thai kỳ và sau khi sinh nở.

Sàn chậu là lớp cơ bắp và một lớp dày của mô ở phần dưới của xương chậu (đôi khi được gọi là “hoành chậu”). Bằng cách cải thiện sức mạnh cơ bắp sàn khung chậu, các bài tập Kegel đơn giản khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu tăng cường sức khỏe cơ xương chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ và sinh con dễ dàng hơn. Dưới đây là một số bài tập Kegel đơn giản cho phụ nữ mang thai có thể thực hiện tại nhà mà các bạn có thể tham khảo.

Bài tập 1:Đây là tư thế kéo giãn thực hiện khi ngồi trên mặt phẳng:

Ngồi trên sàn, gập đầu gối và bắt chéo chân; Giữ lưng thẳng và thoải mái, sau đó hơi nghiêng về phía trước một chút; Lặp lại tư thế này bất cứ khi nào có thể.

bài tập Kegel lúc mang bầu

Bài tập 2:Bài tập cũng được thực hiện ở tư thế ngồi.

Ngồi trên sàn với đầu gối gập và chạm hai lòng bàn chân vào nhau; Giữ hai bàn chân chạm vào nhau và nhẹ nhàng nhấc hai chân lên về phía người; Đặt tay dưới đầu gối khi nhấc chân lên; Hít vào trong vài giây; Dùng lực hai tay đẩy hai đầu gối xuống, giữ nguyên trạng thái và đếm đến 5 sau đó lặp lại.

Bài tập 3: Đây là bài tập cho hông và xương chậu rất hiệu quả để làm chắc các cơ bắp, hỗ trợ cho tử cung và bàng quang:

Nằm ngửa trên sàn, chống hai chân trên mặt sàn, bàn chân hơi chếch ra ngoài, giữ chắc cơ hông và từ từ nhấc hông lên; Đồng thời giữ chặt các cơ ở phần bụng; Khi nhấc hông lên, cảm nhận co thắt cơ âm đạo một chút; Giữ nguyên tư thế trong vài giây rồi từ từ thả ra sau đó lặp lại.

Bài tập 4:Kỹ thuật thở và nín tiểu:

Hít vào đồng thời giữ chặt vùng dưới hông, thực hiện co cơ âm đạo giống như khi bạn đang đi tiểu rồi nín lại; Giữ trong vài giây sau đó thả lỏng đồng thời thở ra; Kỹ thuật này đòi hỏi phải thực hiện đúng thì mới có tác dụng.

Bài tập này có thể tập ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày và nên biến nó thành một thói quen thực hiện hàng ngày.

Lưu ý: Các bài tập Kegel không chỉ quan trọng trong quá trình mang thai, các chuyên gia sức khỏe khuyên tất cả phụ nữ nên tập Kegel thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Tập các bài tập Kegel giúp cho tử cung chặt hơn và hệ thống bài tiết khỏe hơn. Để các bài tập có được hiệu quả tốt nhất và đảm bảo yếu tố an toàn, bạn đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện.

(Theo Momjunction)

Ngô Ngọc Gia Vi

Các yếu tố dễ khiến sinh non

Xác định yếu tố dẫn đến chuyển dạ sinh non tự nhiên trước khi mang thai hoặc đang có thai sớm (trong 3 tháng đầu thai kỳ) có thể giúp bác sĩ điều trị và ngăn chặn các biến chứng của sinh non.

Tiền căn sinh non nhiều lần

Tiền căn sinh non là yếu tố mạnh nhất dẫn đến sinh non trong lần mang thai tới, thời điểm sinh non thường xảy ra trùng với thời điểm sinh non lần trước.

Một loạt nghiên cứu cho thấy rằng nếu sản phụ tiền căn có sinh non 1 lần thì tỉ lệ sinh non ở lần sau là 15 - 30%, nếu tiền căn sinh non 2 lần thì tỉ lệ sinh non lần sau là 60%. Nếu sau khi sinh non 1 lần, sản phụ đã sinh đủ tháng được 1 lần thì nguy cơ sinh non lần mang thai kế tiếp sẽ giảm nhiều.

Có 2 nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 5 - 7% những trường hợp đã sinh non sẽ bị tái phát khi mang thai lần tiếp theo. Nghiên cứu này cũng cho thấy nếu sản phụ không có tiền căn sinh non thì nguy cơ bị sinh non ở lần mang thai này là khoảng 0,2 - 0,8%.

Một nghiên cứu đoàn hệ đánh giá hình thái sinh non của lần mang thai trước với nguy cơ tái phát tình trạng sinh non ở lần mang thai kế tiếp cho thấy rằng: nếu lần mang thai trước sản phụ bị sinh non tự nhiên thì ở lần mang thai này, tỉ lệ bị sinh non là 31,6%, nếu lần mang thai trước sản phụ sinh non do có chỉ định chấm dứt thai kỳ thì lần mang thai này tỉ lệ sinh non là 23%. Một sản phụ nếu lần mang thai trước bị chuyển dạ sinh non tự nhiên thì ở lần mang thai này, nguy cơ chuyển dạ sinh non tự nhiên tăng gấp 5 - 6 lần và nguy cơ sinh non do chỉ định chấm dứt thai kỳ cũng tăng nhẹ. Một sản phụ lần mang thai trước có chỉ định sinh non thì ở lần này, nguy cơ chỉ định sinh non tăng và nguy cơ chuyển dạ sinh non tự nhiên cũng tăng.

Một sản phụ song thai nếu lần mang thai trước đó bị sinh non thì lần mang thai này, tỉ lệ sinh non sẽ cao hơn so với những sản phụ song thai mà lần mang thai trước đó sinh đủ tháng (67,3% so với 20,9%).

Đa thai chiếm khoảng 17% những trường hợp sinh dưới 37 tuần

Đa thai chiếm khoảng 17% những trường hợp sinh dưới 37 tuần

Tiền căn sảy thai

Một thống kê hệ thống cho thấy những nhóm tiền căn có phá thai thì tỉ lệ bị sinh non cao hơn nhóm tiền căn không có phá thai (8,7% so với 6,8%), nguy cơ sinh non cũng sẽ tăng theo số lần phá thai.

Sảy thai tự nhiên, đặc biệt ở những trường hợp tái phát nhiều lần hoặc sảy thai tự nhiên trong 3 tháng giữa thai kỳ cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non.

Hỗ trợ sinh sản

Thai kỳ từ các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng có nguy cơ cao sinh non, nguyên nhân là tỉ lệ đa thai ở những thai kỳ có áp dụng phương pháp hỗ trợ sinh sản cao hơn.

Đa thai

Đa thai chiếm khoảng 2 - 3% ca sinh nhưng chiếm khoảng 17% những trường hợp sinh dưới 37 tuần và chiếm khoảng 23% những trường hợp sinh dưới 32 tuần. Ngày nay, do tỉ lệ áp dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản tăng, nên tỉ lệ đa thai cũng tăng, hậu quả là tỉ lệ chuyển dạ sinh non cũng tăng. Đa thai gây sinh non có thể là do tử cung căng quá mức, tăng thể tích trong buồng tử cung hoặc do cổ tử cung bị yếu. Ngoài ra, còn có các yếu tố đặc biệt khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng chuyển dạ sinh non, ví dụ: trong những trường hợp song thai, nồng độ estrogen, progesterone và steroid tăng hơn so với những trường hợp đơn thai.

Xuất huyết âm đạo

Xuất huyết âm đạo ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non và vỡ ối non khi thai non tháng. Những sản phụ có tình trạng xuất huyết trong 3 tháng đầu thai kỳ có nguy cơ cao chuyển dạ sinh non hơn những trường hợp khác.

Nhiễm trùng

Những nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau (dịch tễ học, mô bệnh học, vi sinh…) đều cho thấy rằng có mối liên hệ giữa tình trạng viêm nhiễm với chuyển dạ sinh non.

Nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng:

Chưa có bằng chứng rõ ràng tình trạng nhiễm khuẩn niệu có liên quan đến chuyển dạ sinh non. Một nghiên cứu của Cardiff Birth Survey bao gồm 25.000 ca sinh trong giai đoạn 1970 - 1979 cho thấy nhiễm khuẩn niệu không liên quan đáng kể đến tình trạng chuyển dạ sinh non chung và chuyển dạ sinh non tự. Trong một vài nghiên cứu cho thấy rằng điều trị nhiễm khuẩn niệu sẽ làm giảm tỉ lệ viêm thận - bể thận và sẽ làm giảm tỉ lệ chuyển dạ sinh non.

Nhiễm trùng khác:

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có mối liên quan giữa chuyển dạ sinh non và nhiễm trùng như nhiễm Streptococcus nhóm B, Chlamydia trachomatis, viêm âm đạo do vi khuẩn, lậu cầu, giang mai và Trichomonas vaginalis.

Chế độ sinh hoạt

Sinh hoạt hàng ngày và làm việc:

Nếu người mẹ làm việc nhiều, có thể làm tăng nguy cơ sinh non; nguyên nhân có thể là do máu tới tử cung ít, cơ thể tăng cường tổng hợp các hoóc-môn (ví dụ: corticotropin - releasing hormone, catecholamine). Tuy nhiên, cho đến nay mối liên quan giữa các hoạt động của sản phụ với sinh non chưa rõ ràng.

Một nghiên cứu hồi cứu bao gồm 8.711 sản phụ đơn thai. Kết quả cho thấy nhóm sản phụ đi hoặc đứng làm việc > 5 giờ/ngày thì nguy cơ sinh non cao hơn nhóm sản phụ đi hoặc đứng làm việc < 2 giờ/ngày. Một nghiên cứu về mối liên quan của tình trạng căng thẳng trong nghề nghiệp và tình trạng sinh non do chuyển dạ sinh non tự nhiên, ối vỡ non hoặc phải khởi phát chuyển dạ do chỉ định y khoa. Tổng cộng, có 2.929 sản phụ đơn thai tuổi thai 22 - 24 tuần. Các yếu tố được ghi nhận: thời gian làm việc mỗi tuần, các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp như: tư thế làm việc, làm việc với máy móc công nghiệp, làm việc quá sức, áp lực về tinh thần và tác động của môi trường làm việc. Kết quả:

- Yếu tố liên quan đến nghề nghiệp không ảnh hưởng đến tình trạng chuyển dạ sinh non tự nhiên hoặc chỉ định khởi phát chuyển dạ khi thai non tháng ở 2 nhóm con so và con rạ.

- Tình trạng tăng số giờ làm việc mỗi tuần sẽ làm tăng đáng kể tình trạng chuyển dạ sinh non ở người con so.

- Các yếu tố liên quan đến nghề nghiệp làm tăng tình trạng ối vỡ khi thai non tháng (các yếu tố này độc lập với nhau) ở những người con so, còn ở người con rạ thì không thấy.

Những nghiên cứu khác cho thấy tư thế làm việc (đứng lâu), thời gian làm việc trong tuần nhiều (> 36 giờ/tuần, > 45 giờ/tuần), nâng vật nặng, làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn… cũng là những yếu tố thuận lợi làm chuyển dạ sinh non.

Làm việc quá nhiều (> 40 giờ/tuần), làm việc trái giờ (làm ngoài giờ từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều), công việc bắt buộc phải đứng lâu (đứng liên tục > 3 - 4 giờ/ngày), nâng vật nặng là các yếu tố có thể gây sinh non, thai nhỏ hơn tuổi thai, sẩy thai và phần nào làm huyết áp tăng cao trong thai kỳ.

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng:

- Trong 100 sản phụ làm việc > 40 giờ: nguy cơ sinh non là 1,2 (95% CI 0,3 - 2,2). Nguy cơ sảy thai là 2,0 (95% CI -2,4 đến 8,5). Không tăng nguy cơ thai nhỏ hơn tuổi thai.

- Trong 100 sản phụ làm việc ngoài giờ (làm ban đêm, chiều tối hoặc xoay vòng): nguy cơ sinh non là 0,3 (95% CI -0,4 đến 1,0). Nguy cơ sảy thai là 1,4 (95% CI -0,5 - 3,6), nguy cơ này tăng cao nếu làm việc thường xuyên vào ban đêm. Không tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

- Trong 100 sản phụ đứng lâu khi làm việc (≥ 4 giờ/ngày): nguy cơ sinh non là 0,9. Nguy cơ sảy thai là 1,9 (95% CI 0,1 - 3,8). Nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung là 1,6.

- Trong 100 sản phụ phải nâng vật nặng khi làm việc: nguy cơ sinh non là 0,1 (khoảng tứ phân vị - interquartile range -0,7 - 2,0). Nguy cơ sảy thai là 0,2 (khoảng tứ phân vị -3,2 - 5,3). Nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung là 0,8 (khoảng tứ phân vị 0,4 - 1,6).

Trong 100 sản phụ làm việc nặng quá sức: nguy cơ sinh non là 0,7 (khoảng tứ phân vị 0,3 - 1,1). Nguy cơ sảy thai là 1,4 (khoảng tứ phân vị -8,2 đến 2,4). Không tăng nguy cơ thai chậm tăng trưởng trong tử cung (khoảng tứ phân vị -0,4 - 0,0).

Quan hệ tình dục:

Quan hệ tình dục không là yếu tố nguy cơ gây sinh non. Tuy nhiên, ở những sản phụ có yếu tố thuận lợi gây chuyển dạ sinh non như tiền căn đã sinh non, cổ tử cung ngắn, đa thai, đa ối, nhau tiền đạo thì không nên quan hệ tình dục.

Chế độ ăn:

Chế độ ăn không ảnh hưởng đến chuyển dạ sinh non. Một vài nghiên cứu (không phải là tất cả) cho thấy rằng nếu sản phụ ít dùng đồ biển hoặc axít béo omega-3 (n-3) thì nguy cơ chuyển dạ sinh non cao hơn. Một nghiên cứu hồi cứu về dịch tễ học trên 8.729 phụ nữ Đan Mạch không dùng dầu cá thì tỉ lệ chuyển dạ sinh non cao hơn nhóm có dùng dầu cá (7,1% so với 3 - 4%).

Cân nặng của sản phụ:

Sản phụ có cân nặng trước khi mang thai quá mức hoặc BMI cao cũng làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non. Những sản phụ béo phì sẽ tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non do có các biến chứng nội khoa. Béo phì trước khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ ối vỡ non khi thai non tháng.

Béo phì liên quan đến những bệnh lý nội khoa như: cao huyết áp trong thai kì, tiền sản giật, đái tháo đường trong thai kỳ. Một tổng quan hệ thống thực hiện vào năm 2010 cho thấy rằng những trường hợp béo phì trong thai kỳ làm tăng nguy cơ chỉ định khởi phát chuyển dạ khi thai non tháng hơn so với những trường hợp có BMI bình thường và nguy cơ này tăng tương ứng với tình trạng tăng cân của người mẹ. Tuy nhiên, tỉ lệ chuyển dạ sinh non tự nhiên không khác nhau giữa các nhóm. Một tổng quan hệ thống thực hiện vào năm 2009, sau khi loại trừ các yếu tố nhiễu như: chủng tộc, tuổi, số con và tình trạng hút thuốc cho thấy không có mối liên hệ giữa trọng lượng sản phụ trước khi mang thai với tình trạng chuyển dạ sinh non tự nhiên (thai < 37 tuần), 3 nghiên cứu đoàn hệ bao gồm 18.063 phụ nữ). Tuy nhiên, một nghiên cứu đoàn hệ trong cộng đồng (thực hiện năm 2013) bao gồm 1,5 triệu sản phụ đơn thai cho thấy thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ khởi phát chuyển dạ do chỉ định y khoa ở mọi tuổi thai và làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non khi tuổi thai 22 - 27 tuần.

Hút thuốc:

Hút thuốc có liên quan đến nguy cơ sinh non. Trong một nghiên cứu tiền cứu cho thấy rằng nếu người mẹ hút 1 - 9 điếu thuốc/ngày sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non ở thai 33 - 36 tuần, nguy cơ chuyển dạ sinh non cũng tăng khi thai nhỏ hơn 32 tuần. Nếu người mẹ hút > 10 điếu thuốc/ngày, nguy cơ sinh non sẽ tăng với OR = 1,4 (95% CI 1,3-1,4) khi thai 33 - 36 tuần và OR = 1,6 (95% CI 1,4-1,8) khi thai nhỏ hơn 32 tuần. Sự tác động này có thể giải thích là do khi sản phụ hút thuốc sẽ làm tăng tỉ lệ nhau bong non, nhau tiền đạo, vỡ màng ối non và thai chậm tăng trưởng trong tử cung. Với những trường hợp này, đôi khi cần phải chấm dứt thai kỳ khi thai non tháng.

Stress:

Khi người mẹ bị áp lực tâm lý sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, các nghiên cứu cho thấy rằng nguy cơ tăng gấp 1,5 - 2 lần ở những sản phụ bị áp lực tâm lý.

Yếu tố cổ tử cung và tử cung

Cổ tử cung ngắn:

Có mối liên quan giữa chiều dài cổ tử cung đo bằng siêu âm và tuổi thai khi sinh. Khi chiều dài cổ tử cung ≤ 35mm, ≤ 30mm, ≤ 26mm, ≤ 20mm và ≤ 13mm thì nguy cơ sinh non lần lượt là 2,35%, 3,79%, 6,19%, 9,49% và 13,99%. Chiều dài cổ tử cung đo ở tuần 16 - 28 ngắn là yếu tố nguy cơ chuyển dạ sinh non.

Phẫu thuật trên cổ tử cung:

Khoét chóp cổ tử cung trong những bệnh lý ở cổ tử cung có liên quan rất nhiều đến nguy cơ sảy thai muộn hoặc sinh non. Khi khoét chóp thì một lượng lớn sợi collagen ở cổ tử cung bị mất, làm giảm khả năng chịu đựng của cổ tử cung, dẫn đến chuyển dạ sinh non và sinh non. Mặt khác, khoét chóp sẽ làm mất các tuyến ở cổ tử cung; khi có thai, cổ tử cung sẽ không hình thành được nút nhầy, hậu quả là tăng nguy cơ nhiễm trùng màng ối và tăng nguy cơ ối vỡ non và chuyển dạ sinh non. Ngoài ra, những vết sẹo trên cổ tử cung làm cổ tử cung không mềm mại, làm tăng tỉ lệ ối vỡ non.

Tử cung:

Tử cung dị dạng bẩm sinh hay mắc phải có liên quan đến sinh non và nguy cơ này phụ thuộc vào tình trạng bất thường của tử cung. Ở những trường hợp tử cung 1 sừng, tỉ lệ sinh non là 17%. Sản phụ có tử cung đôi có nguy cơ chuyển dạ sinh non cao hơn so với sản phụ có tử cung bình thường (29% so với 3%). Những nghiên cứu về mối liên quan giữa kích thước nhân xơ và tình trạng sinh non cho thấy rằng những khối nhân xơ có kích thước ≥ 5 - 6cm sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non, nguyên nhân có thể là nhân xơ này làm giảm thể tích buồng tử cung. Một số nguyên nhân từ tử cung gây chuyển dạ sinh non có thể điều trị bằng phẫu thuật như: vách ngăn tử cung, tử cung 2 sừng, dính buồng tử cung, nhân xơ tử cung.

Bệnh lý mạn tính của người mẹ có liên quan đến tình trạng sinh non

Bệnh lý mạn tính của người mẹ có liên quan đến tình trạng sinh non

Bệnh lý của mẹ

Bệnh lý mạn tính của người mẹ:

Bệnh lý mạn tính của người mẹ có liên quan đến tình trạng sinh non do yếu tố của người mẹ hoặc con, ví dụ: cao huyết áp trong thai kỳ, bệnh lý thận, đái tháo đường týp 1.

Bệnh tự miễn:

Có những bằng chứng cho thấy một vài bệnh lý tự miễn sẽ làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (ví dụ: bệnh lý tuyến giáp tự miễn, bệnh nhiễm khuẩn đường ruột). Tuy nhiên, mối liên quan giữa các bệnh tự miễn và sinh non cần được nghiên cứu thêm.

Thiếu máu:

Một nghiên cứu đoàn hệ bao gồm 173.031 sản phụ cho thấy rằng những sản phụ thiếu máu nặng (Hb < 9,5 g/dL) ở tuần thứ 12 của thai kỳ sẽ tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (OR = 1,68, 95% CI 1,29 - 2,21). Một phân tích gộp cũng cho kết quả tương tự là có sự tăng nhẹ tỉ lệ sinh non ở những trường hợp thiếu máu nhẹ (OR = 1,32, 95% CI 1,01-1,74), ở những trường hợp này thường là thiếu máu ở giai đoạn sớm của thai kỳ. Thiếu máu ở 3 tháng cuối thai kỳ thường không liên quan đến sinh non.

Do thai

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung.

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung cũng có liên quan đến sinh non tự nhiên hoặc chỉ định chấm dứt thai kỳ khi thai non tháng.

Thai dị dạng:

Thai dị dạng là một trong những nguyên nhân gây sinh non. Nguyên nhân có thể là hậu quả của dị dạng thai làm tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non (đa ối do hẹp thực quản) hoặc do dị dạng có chỉ định chấm dứt thai kỳ sớm.

Giới tính của thai nhi:

Giới tính nam cũng là yếu tố thuận lợi của sinh non tự nhiên. Hai nghiên cứu về mô học của bánh nhau cho thấy rằng bánh nhau của bé trai có tỉ lệ viêm mạn tính nhiều hơn bánh nhau của bé gái. Tác giả cho rằng có thể hệ thống miễn dịch của người mẹ đáp ứng với mô của bé trai nhiều hơn bé gái.

BS. NGUYỄN QUỐC TUẤN

(Đại học Y Dược Cần Thơ)

Lượng kinh nguyệt, khi nào là bệnh lý?

Không có một mẫu số chung về lượng kinh nguyệt hàng tháng của chị em thế nào là bình thường, vì mỗi người mỗi thể trạng. Tuy nhiên với các trường hợp có lượng kinh nguyệt quá ít hay quá nhiều, đều là những dấu hiệu của bệnh tật. Sở dĩ lượng kinh nguyệt ở mỗi người khác nhau là do: chu kỳ kinh nguyệt ngắn hay dài, lượng máu ra trong những ngày “đèn đỏ” nhiều hay ít còn phụ thuộc vào cơ địa, điều kiện sức khỏe của mỗi người. Ngoài ra, kinh nguyệt nhiều hay ít còn có thể do chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu chất dinh dưỡng (chủ yếu là nhóm vitamin có liên quan đến hoạt động nội tiết sinh dục như A, C, E), sử dụng nhiều đồ uống có cồn, đồ uống chứa caffein, nước ngọt có ga...Thông thường, chị em thường chỉ quan tâm đến chu kỳ kinh nguyệt của mình có đều không, có bất thường như: chậm kinh, rút ngắn kỳ kinh, máu kinh có mùi hôi không. Tuy nhiên, chị em cần hết sức lưu ý lượng kinh nguyệt quá ít hay quá nhiều đều là bất thường.

Kinh nguyệt quá nhiều: Thời gian “đèn đỏ” dài quá 7 ngày, mỗi ngày lượng kinh ra nhiều quá mức, thấm ướt cả gói băng vệ sinh loại dày, lúc đi vệ sinh máu ra tong tỏng không ngớt. Lượng kinh quá nhiều kéo dài liên tục thì chị em cần cảnh giác, đó có thể là do những rắc rối bên trong cơ quan sinh sản, như màng trong tử cung bong ra bất thường hoặc do các căn bệnh ở tử cung như u xơ tử cung, viêm nhiễm cổ tử cung, hoặc các bệnh về máu, tinh thần căng thẳng... gây nên.

Kinh nguyệt quá ít: Thời gian “đèn đỏ” dưới 3 ngày hoặc lượng kinh nguyệt mỗi ngày không thấm hết một băng vệ sinh bình thường được coi là kinh nguyệt ít. Kinh nguyệt quá ít có thể là hậu quả của căng thẳng não bộ, suy nhược cơ thể... đồng thời là dấu hiệu cảnh báo: thiếu máu, bệnh gan, đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng không tốt, rối loạn nội tiết, lao sinh dục, dính cổ tử cung...

Kinh nguyệt thất thường: Nếu thấy kinh nguyệt tháng nhiều tháng ít, nên nghĩ tới khả năng bị rối loạn tinh thần, áp lực căng thẳng hoặc do mắc bệnh phụ khoa, u xơ tử cung, viêm nhiễm tử cung, rối loạn chức năng gan...

Khi thấy tình trạng kinh nguyệt bất thường, mệt mỏi trong ngày “đèn đỏ”, ảnh hưởng tới sinh hoạt và công việc, bạn cần đi khám chuyên khoa ngay. Tốt nhất 6 tháng phải đi khám phụ khoa một lần để tầm soát và phát hiện những dấu hiệu bệnh, có hướng điều trị kịp thời.

BS. T M ANH

Thay đổi sinh lý ở bạn gái dậy thì

Sự phát triển của “núi đôi”: Khi chớm bước vào tuổi dậy thì, hai bên vú của bé gái sẽ có nhiều thay đổi và to dần. Sự phát triển này bắt đầu phát triển theo kiểu một bên to trước, bên kia theo sau. Vì vậy, bạn gái đừng ngạc nhiên nếu thấy ngực chỉ nhú một bên, chẳng mấy chốc bên kia sẽ đuổi kịp. Dấu hiệu đầu tiên nhận biết sự phát triển của ngực là quầng vú. Đầu tiên, quầng vú dầy lên, sẫm lại. Sau đó, bầu vú nhú lên, nhọn nhọn, lớn dần và tròn trịa dần. Trong thời gian này, bạn gái có thể ngứa hoặc đau tức vú một chút. Cặp “núi đôi” trưởng thành có cấu tạo cơ bản là mỡ. Mỡ có chức năng bảo vệ, đồng thời làm cho cặp vú được mịn màng, hấp dẫn. Bầu vú không có cơ nhưng nó bám chắc vào cơ ngực ở trên xương sườn. Ngoài ra, nó còn được nâng đỡ bởi các cơ xung quanh và các dây chằng liên kết. Núm vú là nơi tập trung nhiều đầu mút thần kinh, nhạy cảm với kích thích. Bên trong vú là tuyến sữa. Khi bạn gái dậy thì, hệ thống tạo sữa bắt đầu phát triển nhưng chưa sản xuất sữa. Các tuyến sữa phát triển, lớp mỡ ngực dầy lên làm cho đôi vú nhú lên và ngày càng đầy đặn.

Cơ quan sinh dục: Trong giai đoạn dậy thì, cơ quan sinh dục bạn gái phát triển mạnh. Tất cả các bộ phận như: môi lớn, môi nhỏ, âm vật, âm đạo đều lớn lên, lông mu mọc xung quanh âm hộ và màu sắc âm hộ sẫm hơn trước. Bên trong cơ thể, âm đạo, tử cung cũng phát triển. Hai buồng trứng bắt đầu thực hiện chức năng tiết hormon sinh dục và phóng noãn (rụng trứng). Hiện tượng kinh nguyệt là quá trình sinh lý bình thường - dấu hiệu chứng tỏ bạn gái đã bắt đầu rụng trứng, có khả năng thụ thai và sinh con. Bạn gái có thể thấy kinh từ năm 10 tuổi và cũng có bạn đến năm 17 - 18 tuổi. Chỉ khi đã 18 tuổi mà không thấy kinh nguyệt thì mới đáng lo và cần đi khám để bác sĩ kiểm tra.

Trong những ngày hành kinh, một số bạn gái có cảm giác khó chịu, căng tức ngực và nặng phần bụng dưới, đau bụng, đau lưng…; tâm lý nôn nóng, dễ nổi cáu, giảm tập trung, dễ thay đổi cảm xúc... Đây cũng là hiện tượng thường gặp được gọi là “Hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh” và nó sẽ tự chấm dứt khi hết chu kỳ.

NGÔ MINH ANH

Ðẩy lùi viêm đường tiết niệu khi mang thai

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý hay gặp ở người phụ nữ, đặc biệt hay gặp ở phụ nữ mang thai. Đôi lúc nhiễm khuẩn đường tiết niệu xảy ra âm thầm, lặng lẽ không có triệu chứng rõ ràng nhưng đa số đều có biểu hiện lên chức năng tiểu tiện tùy theo vị trí nào của hệ tiết niệu như viêm bàng quang, viêm đài bể thận, viêm thận một bên hoặc hai bên. Các ổ nhiễm khuẩn có thể phát hiện sớm trước lúc mang thai hoặc đồng thời song song trong suốt thai kỳ.

Nguyên nhân gây bệnh

Thời kỳ mang thai nhất là trong 3 tháng cuối, tử cung thường nghiêng sang phải sẽ đè ép vào niệu quản và thận phải nên dễ gây ứ nước thận và viêm thận. Hơn nữa, trong thời kỳ có thai, sự thay đổi về sinh lý nội tiết như dưới tác dụng của progesterone khi mang thai sẽ làm nhu động ruột, nhu động niệu quản giảm nên thai phụ hay bị táo bón và ứ đọng nước tiểu hơn. Hoặc trong thời kỳ hậu sản, một số sản phụ thường bí tiểu do cuộc đẻ gây ra như chấn thương đường sinh dục dưới, do thủ thuật Forceps, giác hút, đại kéo thai. Hoặc dùng thông tiểu trước, trong và sau sinh không đảm bảo vô khuẩn.

Điều trị triệt để khi bị viêm tiết niệu để không nguy hiểm khi mang thai.

Ảnh hưởng đối với thai kỳ

Tùy vị trí bị nhiễm khuẩn (bàng quang, niệu quản hay bể thận) mà có sự ảnh hưởng khác nhau đến thai kỳ: Khoảng 25% các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu không có triệu chứng sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu có triệu chứng. Một số trường hợp có thể dẫn đến động thai, sẩy thai đặc biệt vào những tháng đầu tiên của thời kỳ mang thai. Nếu viêm thận - bể thận sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn thường dẫn đến đẻ non, thai chết trong tử cung nếu chẩn đoán muộn và điều trị không tích cực.

Cảnh giác viêm bể thận trong thai kỳ

Đây là hình thái nặng của nhiễm khuẩn đường tiết niệu đối với thai kỳ hay gặp vào 3 tháng cuối của thai kỳ, nguyên nhân hay gặp là do nhiễm khuẩn tiết niệu từ dưới ngược dòng lên trên (theo niệu quản). Bệnh xuất hiện đột ngột trên một thai phụ bình thường hoặc ở thai phụ đã bị viêm niệu đạo hoặc viêm bàng quang trước đó với triệu chứng như: tiểu buốt, tiểu khó, tiểu máu; sốt cao (có thể tới 40oC, rét run; đau một bên hông hoặc hai bên (lúc khám); kém ăn hoặc chán ăn; buồn nôn, hay nôn mửa. Xét nghiệm nước tiểu có nhiều vi khuẩn, bạch cầu, mủ... Nếu cấy máu có thể gặp 15% trường hợp có nhiễm khuẩn máu.

Đừng để viêm thận - bể thận mạn tính

Nếu thai phụ có tiền sử bị viêm tiết niệu (niệu đạo, viêm bàng quang hoặc viêm thận - bể thận) cấp tính cần điều trị triệt để. Vì triệu chứng viêm thận - bể thận thường âm thầm chỉ biểu lộ suy chức năng thận (suy thận) lúc bệnh quá nặng.

Trường hợp chức năng thận còn tốt, huyết áp còn trong giới hạn bình thường thì thai vẫn phát triển bình thường. Điều trị như đối với viêm thận cấp tính nhưng cần chú ý theo dõi kỹ về chức năng thận. Đôi khi có thể kết hợp chạy thận nhân tạo nếu đủ điều kiện và đúng chỉ định. Nói chung nếu suy thận thì tiên lượng cho mẹ và thai thường xấu.

Chú ý trong phòng ngừa và điều trị

Cần chẩn đoán sớm và phải điều trị tích cực các trường hợp nhiễm khuẩn tiết niệu trong thai kỳ để tránh các biến chứng xấu có hại cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy, thai phụ cần định kỳ khám thai và xét nghiệm nước tiểu nếu có biểu hiện bất thường. Ngoài ra, trong quá trình khám và xử trí cần tránh các yếu tố thuận lợi gây nên nhiễm khuẩn tiết niệu như sang chấn sản khoa, cần hạn chế thông tiểu nếu thấy chưa cần thiết; cần điều trị viêm âm hộ, âm đạo, cổ tử cung trong quá trình thai nghén để phòng lây nhiễm sang đường tiết niệu. Nhớ uống nhiều nước 1,5 - 2 lít/ngày để phòng sỏi tiết niệu.

Khi phát hiện thai phụ bị viêm thận - bể thận thì cần phải nhập viện để điều trị. Bao gồm: nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường; Truyền dịch và theo dõi lượng nước tiểu để đánh giá chức năng thận và phát hiện sớm hình thái nhiễm khuẩn tiết niệu lan tỏa. Theo dõi thêm về các chỉ số huyết áp, mạch, nhiệt độ. Dùng kháng sinh có kháng phổ rộng... hoặc có thể dùng phối hợp các kháng sinh. Theo dõi kỹ trong 2 ngày đầu điều trị, nếu các triệu chứng lâm sàng nói trên giảm hoặc biến mất cần tiếp tục điều trị thêm cho đến 10 ngày. Nếu sau 2 ngày theo dõi (mặc dù đã dùng kháng sinh tích cực) vẫn không thuyên giảm về triệu chứng, cần phải đổi kháng sinh dựa theo kết quả kháng sinh đồ.

BS. Vũ Hồng Ngọc

U nang buồng trứng trị thế nào?

Đặng Thị Hoa (danghoa@gmail.com) Thông thường u nang buồng trứng có hai loại là u cơ năng và u thực thể. Các khối u cơ năng thường chỉ gặp ở...